Thúc đẩy áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu nhằm tăng nguồn thu hướng tới phát triển bền vững

Với sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu, Chính phủ Đức, và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đang nhanh chóng được triển khai nhằm tạo thêm nguồn thu ngân sách của Việt Nam.

Theo OECD, các công ty đa quốc gia đang khai thác các chênh lệch và không đồng bộ giữa hệ thống thuế của các quốc gia để hưởng lợi từ thuế, chuyển một phần doanh thu sang các quốc gia/vùng lãnh thổ có thuế suất thấp hơn. Thực tế cho thấy vấn đề xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) đã khiến các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, thiệt hại từ 100 đến 240 tỷ USD tiền thuế hàng năm. Do vậy, OECD và G20 đã xây dựng Khuôn khổ bao trùm về Xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (IF), với hơn 135 quốc gia/vùng lãnh thổ tham gia hợp tác nhằm đối phó với BEPS.  

Trong khuôn khổ dự án "Tăng cường Quản lý Tài chính Công tại Việt Nam" do Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức đồng tài trợ, Bộ Tài chính Việt Nam và GIZ đang hợp tác để thúc đẩy thực hiện quy định Thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Quy định này sẽ đảm bảo các công ty đa quốc gia thực hiện đúng nghĩa vụ thuế của mình. Ngân sách tăng thêm từ nguồn thuế này có thể được sử dụng để đầu tư vào các dịch vụ công thiết yếu nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Từ ngày 30/5 đến ngày 2/6, Dự án hỗ trợ tổ chức Khóa đào tạo về Thuế tối thiểu toàn cầu do Tổng cục Thuế chủ trì thực hiện tại Hà Nội.  Các chuyên gia của OECD đã tập trung đào tạo chi tiết kỹ thuật về các quy định liên quan tới thuế tối thiểu toàn cầu cho 120 cán bộ thuế của trung ương và địa phương.

Đối với các cán bộ thuế, nội dung đào tạo là rất hữu ích và thiết thực cho việc thực hiện các công việc triển khai quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp tới. Khóa đào tạo này là một trong những hoạt động đầu tiên hỗ trợ thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam và GIZ cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các hoạt động tiếp theo trong lĩnh vực này.