Nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp thông qua hướng dẫn, phổ biến quy định mới về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Nghiên cứu những năm gần đây cho thấy, hoạt động khai thác khoáng sản là một trong những yếu tố gây gia tăng ô nhiễm môi trường, phá hủy đa dạng sinh học và cạn kiệt tài nguyên. Chính vì vậy, tăng cường quản lý đối với các hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó có tăng cường hiệu quả công tác thu phí cũng như bổ sung nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường tại nơi khai thác là yêu cầu cấp thiết và thiết thực. Theo nghị định 164/2016/NĐ-CP, các doanh nghiệp tham gia khai thác khoáng sản phải nộp phí Bảo vệ Môi trường (BVMT). Theo thống kê, từ năm 2017-2020, ngân sách nhà nước đã thu trên 3.000 tỷ đồng phí BVMT mỗi năm; góp phần phục vụ công tác phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu, khắc phục ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục những vướng mắc tồn tại của Nghị định 164/2016/NĐ-CP, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2023/NĐ-CP trong đó sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh, đối tượng chịu phí, tổ chức thu phí, phương pháp tính phí, kê khai, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; cũng như Biểu khung mức thu phí BVMT đối với một số loại khoáng sản cho giai đoạn mới.

Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường quản lý tài chính công ở Việt Nam”, do Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức đồng tài trợ, Hội thảo phổ biến Nghị định số 27/2023/NĐ-CP do Bộ Tài chính Việt Nam và GIZ vừa tổ chức tại thành phố Hạ Long đã hướng dẫn chi tiết các quy định tại Nghị định mới, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương nắm bắt thông tin kịp thời và tổ chức triển khai theo đúng quy định tại địa phương.

Ông Nguyễn Thành Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính cho biết: “Nghị định mới sẽ tiếp tục góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; hạn chế tác động tiêu cực đối với môi trường, tránh lãng phí tài nguyên và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến. Đồng thời, việc công khai số phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên Cổng thông tin điện tử của Cục Thuế và của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 27 một mặt giúp đảm bảo tính công khai, minh bạch của chính sách; mặt khác góp phần hỗ trợ người dân tham gia công tác theo dõi, giát sát việc triển khai thực hiện trong thời gian tới.”