Hướng tới công bằng thuế vì Việt Nam thịnh vượng

Các công ty đa quốc gia đang khai thác khoảng trống và chênh lệch giữa hệ thống thuế của các quốc gia để hưởng lợi từ thuế thông qua chuyển một phần doanh thu từ nước này sang nước khác với thuế suất ít hơn. Nếu thuế tối thiểu toàn cầu chính thức được áp dụng, các công ty đa quốc gia sẽ phải nộp ít nhất 15% thuế trên lợi nhuận tại mỗi quốc gia. Nhờ vậy, doanh thu thuế dự kiến sẽ tăng đáng kể. Cụ thể, theo nghiên cứu, doanh thu thuế bổ sung của Đức ước tính sẽ đạt 4 tỷ EUR vào năm 2026, còn doanh thu thuế bổ sung hàng năm của Hà Lan dự báo đạt 266 triệu EUR.

Trong khuôn khổ dự án "Tăng cường Quản lý Tài chính Công tại Việt Nam" do Liên minh châu Âu và Bộ Hợp tác Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) đồng tài trợ, Bộ Tài chính Việt Nam và GIZ đang hợp tác để hỗ trợ Việt Nam triển khai Thuế tối thiểu toàn cầu để giảm thất thoát thuế. Các quy định pháp luật về Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến có hiệu lực từ tháng 1 năm 2024.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, một câu hỏi đặt ra: “Làm thế nào các quốc gia từng áp dụng mức thuế suất thấp như Việt Nam, có thể thu hút các công ty đa quốc gia tiếp tục đầu tư khi Thuế tối thiểu toàn cầu chính thức được áp dụng?”. Với nhiều ưu đãi sẽ không còn hiệu lực khi Thuế tối thiểu toàn cầu được triển khai, Việt Nam sẽ cần xem lại các ưu đãi thuế để đảm bảo tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong tương lai.

Từ ngày 28/08 đến 01/09/2023, đoàn công tác bao gồm đại diện của Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Bộ Tư pháp, Tổng Cục Thuế đã bắt đầu chuyến thăm và học hỏi kinh nghiệm với Bộ tài chính Liên Bang, Bộ Tài chính Bang Bavaria tại Munich, Liên đoàn Công nghiệp Đức tại Berlin và các viện nghiên cứu khác. Nội dung trao đổi tập trung vào những sửa đổi trong luật nội địa về thuế tối thiểu toàn cầu, cơ cấu tổ chức và quy trình triển khai áp dụng thuế, cũng như phương pháp đánh giá tác động cùng biện pháp để Đức duy trì tính cạnh tranh sau khi thuế tối thiểu toàn cầu chính thức có hiệu lực.

Những bài học thực tế từ cơ quan liên bang, các cơ quan hành chính địa phương cho đến các doanh nghiệp là bài học vô cùng hữu ích hỗ trợ đoàn đại biểu của Việt Nam trong việc xây dựng luật, rà soát đảm bảo tính hợp pháp và đồng bộ của quy định trước khi báo cáo Quốc hội phê duyệt.