LILAMA 2 đào tạo Công nghiệp 4.0 cho các cơ sở GDNN và Doanh nghiệp đối tác

Để tiếp nối chuỗi hoạt động đào tạo nhân rộng về lĩnh vực Công nghiệp 4.0, từ ngày 14 đến 26 tháng 08 năm 2023, các giảng viên nhân rộng Lê Văn Hùng và Nguyễn Trọng Tín của trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LILAMA 2) đã triển khai hai khóa đào tạo nâng cao về “Kết nối IoT Gateway bằng lập trình PLC trên giao diện HMI” và “Ứng dụng Scalance XC208 và S615 trong An toàn và Bảo mật hệ thống mạng” cho 11 giảng viên Cơ Điện tử và Điện tử Công nghiệp của các trường đối tác và 04 cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp. Các chủ đề này cũng là một phần quan trọng trong nội dung đào tạo Mô đun 11 và 12 thuộc chương trình đào tạo định hướng tiêu chuẩn Đức của nghề Cơ điện tử và nghề Điện tử Công nghiệp.

Chuỗi đào tạo này nhằm mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng và khả năng ứng dụng trong Công nghiệp 4.0 cho các giảng viên cũng như cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp với việc thực hiện các công việc như: Lập trình điều khiển robot và kết nối dữ liệu với đám mây thông qua sử dụng PLC S7-1500 và giao diện người – máy (HMI), giúp tăng hiệu suất và độ tin cậy của hệ thống tự động hóa; Thiết lập mạng riêng ảo (VPN), sử dụng SINEMA RC để thiết lập truyền thông và bảo mật giữa 2 cụm sản xuất tự động hóa, đặt cấu hình tường lửa trong Siemens S615, cài đặt các ứng dụng của SINEMA RC trên CPU Desktop, v.v.

Thầy Nguyễn Bảo Huy, giảng viên trường Cao đẳng nghề An Giang chia sẻ: “Bằng cách tận dụng khả năng của PLC S7-1500 và tích hợp các tính năng an toàn độc đáo của Scalance XC208 và S615, chúng tôi không chỉ đảm bảo sự hiệu quả trong việc lập trình điều khiển robot, mà còn đảm bảo tính an toàn và bảo mật tối đa. Quá trình chuyển đổi và truyền dữ liệu qua mạng được thực hiện một cách an toàn và tin cậy. Sau khi tham dự hai khóa học này, chúng tôi đã có đủ khả năng triển khai nột số nội dung đào tạo về Công nghiệp 4.0 thuộc nghề Cơ điện tử.”

Anh Ngô Văn Lộc, Cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp từ Công ty Martech Boiler đã có những phản hồi tích cực: “Thông qua khóa đào tạo, tôi đã nắm vững việc lập trình và điều khiển robot qua PLC S7-1500, cùng với khả năng tương tác thông qua hệ thống Internet vạn vật (IoT). Tôi tin rằng những kiến thức này có thể được ứng dụng vào công việc tại công ty để giải quyết những nhiệm vụ có liên quan một cách hiệu quả.”

Kết thúc khóa đào tạo, các giảng viên và cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp đã được trang bị các kỹ năng cần thiết để tiếp tục nhân rộng kiến thức cho các giảng viên và sinh viên trong thời gian tới, nắm bắt kịp thời các xu thế mới của nền công nghiệp 4.0.

Các khóa đào tạo này được thực hiện trong khuôn khổ Hợp phần “Hỗ trợ các Cơ sở GDNN Chất lượng cao”, thuộc Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện.