"Chúng ta là một phần của tự nhiên": Bước tiến mới trong canh tác ca cao tại Việt Nam

Với chất lượng được  công nhận trên toàn thế giới, ngành sản xuất ca cao Việt Nam có tiềm năng phát triển về quy mô và giá trị gấp nhiều lần so với hiện tại. Nhu cầu của thị trường toàn cầu đối với ca cao và các sản phẩm liên quan đến sô cô la đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, sự sụt giảm sản lượng từ các quốc gia chuyên sản xuất ca cao ở châu Phi và Nam Mỹ do dịch bệnh, hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu vào năm 2023 cho thấy cần phải có phương thức canh tác ca cao bền vững nhằm đảm bảo sản lượng thu hoạch tốt và thu nhập cho người trồng. Để thích ứng với tình hình, nông dân trồng ca cao và các cán bộ nông nghiệp tại Tây Nguyên đã có cơ hội tham gia vào chuyến tham quan thực tế do dự án develoPPP ReCoPro tổ chức tại trang trại cà phê hữu cơ ở Đắk Lắk và trang trại Stone Hill ở Đồng Nai vào tháng 11 năm 2023. Chuyến đi mang lại nhiều kiến thức và kĩ thuật có giá trị về nông lâm kết hợp, các phương pháp nông nghiệp bền vững và đa dạng sinh học, mang lại nhiều bài học bổ ích  cho người tham gia.

Chuyến tham quan được dẫn dắt bởi TS. Phạm Hồng Đức Phước, một chuyên gia hàng đầu về cây ca cao tại Việt Nam. Ông đã biến một ngọn đồi trơ sỏi đá thành nông trại ca cao theo hướng bền vững, không sử dụng thuốc trừ sâu và là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất sô cô la cao cấp tại Việt Nam. Theo TS. Phước, các thách thức đối với sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp ca cao tại Việt Nam đến từ nhiều yếu tố, trong đó có nhận thức của nông dân cũng như các vấn đề kỹ thuật. Ở một số khía cạnh, cây ca cao khó chăm sóc hơn so với các loại cây khác. Ví dụ, cây ca cao nở hoa trên thân cây thay vì trên trên tán lá giống như đa số các loài cây khác. Điều này đòi hỏi các phương pháp chăm sóc và thu hoạch đặc biệt. Ngoài ra, liên quan tới vấn đề nhận thức của nông dân về nông nghiệp bền vững, TS. Phước nhận xét, "Đôi khi, cần có các buổi đào tạo kéo dài hơn để nông dân có nhiều thời gian quan sát và được giải thích toàn diện về kỹ thuật và các thực hành tại vườn ca cao."

Trong suốt chuyến đi, người nông dân được tiếp xúc với các kỹ thuật canh tác bền vững như tái tạo thảm thực vật để ngăn chặn rửa trôi đất và đảm bảo nguồn nước bền vững, cũng như kỹ thuật nuôi kiến làm thiên địch trong vườn. Vì kiến là kẻ thù tự nhiên của nhiều loài côn trùng nên thay vì sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, nông dân trồng ca cao có thể sử dụng kiến vàng và kiến đen để tiêu diệt côn trùng và kiểm soát sâu bệnh. Theo TS. Phước, chuyến đi cũng mang lại cho người nông dân cơ hội quan sát thực tế những điều họ đã được học trong các buổi tập huấn về nông nghiệp tái sinh và nông lâm kết hợp trong canh tác ca cao do ReCoPro tổ chức trước đó. Từ việc trải nghiệm trực tiếp các phương pháp nông nghiệp bền vững, người nông dân sẽ có nhận thức tốt hơn cũng như được truyền cảm hứng để áp dụng các kỹ thuật này vào chính vườn ca cao của mình. Thực vậy, anh Thiên, một người tham gia với kinh nghiệm 16 năm rồng ca cao, đã quyết định thực hiện những thay đổi ngay sau chuyến đi, chẳng hạn như khôi phục thảm thực vật để giảm bốc hơi nước trong mùa mưa cũng như nuôi thiên địch. Tương tự, với những kiến thức và trải nghiệm từ chuyến đi, anh Kiên, một cán bộ khuyến nông ở Đắk Lắk, mong muốn chia sẻ rộng rãi và khuyến khích những phương pháp này tại địa phương mình. Anh tin rằng những chuyến tham quan tương tự ở quy mô lớn và kéo dài hơn sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người nông dân đón nhận sự thay đổi.
 

Cũng theo anh Kiên, chuyến đi đã thay đổi quan điểm của người nông dân về tính bền vững, đa dạng sinh học và nông lâm kết hợp trong canh tác ca cao. Các phương pháp như xen canh, trồng cây kết hợp, nuôi kiến và sử dụng nước bền vững đều mới mẻ với nông dân trồng ca cao. "Ban đầu, khi họ thăm trang trại của thầy Phước, họ thắc mắc vì sao thầy lại cung cấp sẵn nước cho sóc uống. Nhưng sau chuyến đi, tôi tin rằng họ bắt đầu hiểu được đa dạng sinh học thực sự nghĩa là gì", anh Kiên chia sẻ. Tương tự, anh Thiên cũng hào hứng chia sẻ sự hứng thú của mình với mô hình nông nghiệp không sử dụng thuốc trừ sâu nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và thân thiện với môi trường tại trang trại Đồi Đá, ngược lại với các phương pháp canh tác truyền thống mà anh vẫn áp dụng trước đây.

"Con người là một phần của tự nhiên, và tất cả các sinh vật khác cũng vậy" là điều TS. Phước luôn tâm niệm trong canh tác nông nghiệp. Quả thực, thái độ tôn trọng hệ sinh thái và đa dạng sinh học trong nông trại chính là chìa khóa cho nông nghiệp bền vững để có được những vụ mùa bội thu.

Dự án "Sản xuất ca cao tái sinh hỗ trợ phát triển sinh kế ở Việt Nam" (ReCoPro) được thực hiện bởi GIZ Việt Nam, công ty Puratos Grand-Place Việt Nam và các đối tác trong phạm vi của chương trình develoPPP - chương trình tài trợ của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).