• HẠ TẦNG BỀN VỮNG
  • PHÁT TRIỂN XÃ HỘI
  • MÔI TRƯỜNG VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
  • PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VIỆC LÀM

Việt Nam

Số lượng nhân viên

Người Việt Nam: 307
Người nước ngoài: 43
Chuyên gia hỗ trợ phát triển: 8
Chuyên gia tích hợp: 4

(tính đến: 31.12.2023)

Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) GmbH đã hoạt động tại Việt Nam từ hơn 30 năm qua. Văn phòng đại diện GIZ tại Việt Nam được thành lập từ năm 1998.

Trong hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã phát triển thành công để trở thành một quốc gia mới nổi. Nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực, nhưng song song với đó là những thách thức lớn về môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Để giữ vững vị thế và sức hút đối với thị trường và nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam cần đáp ứng được các chuẩn mực hiện đại về xã hội và môi trường.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Nhu cầu năng lượng của Việt Nam cũng gia tăng đáng kể. Do đó, Chính phủ đang thực hiện lộ trình hướng tới tăng trưởng thân thiện với môi trường và đảm bảo công bằng xã hội (tăng trưởng xanh), cũng như cam kết bảo vệ khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.

Được uỷ quyền bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ), Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu CHLB Đức (BMWK) và Liên minh châu Âu, GIZ hợp tác cùng Việt Nam hướng tới đạt được các mục tiêu về môi trường, trung hoà khí hậu và phát triển bao trùm (chuyển đổi công bằng), thông qua giải quyết những vấn đề có quy mô toàn cầu như môi trường và khí hậu. Các lĩnh vực trọng tâm bao gồm:

  • Biến đổi khí hậu và môi trường
  • Chuyển dịch năng lượng
  • Kinh tế xanh và giáo dục nghề nghiệp

GIZ đang phối hợp chặt chẽ với Việt Nam nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính, hướng tới đạt mục tiêu trung hoà khí hậu vào năm 2050. Hoạt động này bao gồm tư vấn về các thực hành lâm nghiệp bền vững, chứng nhận khai thác gỗ có trách nhiệm với môi trường, và gắn kết người dân địa phương trong việc thiết lập các khu vực bảo tồn. Bên cạnh đó, GIZ hỗ trợ Việt Nam trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ví dụ, ở Đồng bằng sông Cửu Long, GIZ thúc đẩy các thực hành nông nghiệp mới, hệ thống thoát nước đô thị dựa vào tự nhiên, và các công cụ kỹ thuật số để bảo vệ con người và đất đai.

Để đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu, Việt Nam hiện phấn đấu giảm sử dụng năng lượng hoá thạch xuống mức bằng không vào năm 2050. Việt Nam là một trong số các quốc gia có mức độ tăng trưởng nguồn năng lượng gió và mặt trời cao nhất trên thế giới. GIZ hỗ trợ Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam với nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7). Hỗ trợ này bao gồm tư vấn về khung chính sách và pháp luật cho chuyển dịch năng lượng, cũng như đóng góp vào tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại, xây dựng lưới điện thông minh và thiết lập ngành công nghiệp hydro xanh.

Ngoài ra, GIZ cũng tư vấn cho Việt Nam về các vấn đề cải cách kinh tế, tài chính và các chính sách xã hội. GIZ thúc đẩy việc sử dụng công nghệ xanh và các giải pháp số (chuyển dịch kép), tập trung vào tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tuần hoàn và đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững. Thị trường Việt Nam cũng cần lao động có tay nghề. Do đó, GIZ hỗ trợ thiết lập hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại, theo định hướng nhu cầu, nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn để phục vụ cho chuyển đổi xanh của nền kinh tế (kỹ năng xanh). Ví dụ, các ngành nghề kĩ thuật đóng vai trò quan trọng đối với phát triển và thực hiện các dự án năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, GIZ cũng đang thử nghiệm các mô hình di cư lao động hợp pháp dành cho người lao động có tay nghề.

Additional information